Lễ hội Dinh Thầy Thím ảnh 1

Tọa lạc giữa khu rừng dầu Bàu Cái, Dinh Thầy Thím từ lâu đã trở thành không gian tâm linh đặc biệt quan trọng với nhiều thế hệ cư dân tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận. Theo sự tích còn truyền tụng đến nay, Thầy Thím là đôi vợ chồng đạo sĩ tài đức, có nhiều công lao cứu dân giúp đời. Sau khi họ mất, do không biết họ tên nên người dân kính cẩn gọi là Thầy và Thím. Cùng với đó, để ghi tạc công ơn của hai vị ân nhân, một dinh thờ Thầy Thím đã được dựng trong khu rừng quanh năm tươi tốt..

Có thể nói tại La Gi, Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là hoạt động truyền thống tiêu biểu không chỉ của cộng đồng cư dân mà còn là di sản văn hóa chung của du khách thập phương. Không gian lễ hội là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

Hàng năm, tại dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ: Lễ Tảo mộ Thầy Thím diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng và Lễ giỗ Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 – 16 tháng Chín Âm lịch. Lễ giỗ được coi là Lễ hội chính với nhiều hoạt động truyền thống.

Lễ hội Dinh Thầy Thím ảnh 2

Các nghi lễ trong Lễ hội đều do Ban Tế tự của dinh thực hiện. Ban Tế tự là những người do dân làng chọn ra, có uy tín, đạo đức, gia đình hòa thuận, gương mẫu, không có tang chế, am hiểu về tập tục và các lễ nghi liên quan đến tín ngưỡng dân gian truyền thống của cộng đồng.

Lễ vật dâng cúng Thầy Thím và ông bà tổ tiên bao gồm những sản vật gắn với sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, trong đó ít nhất phải có một con heo để dâng tế thần linh.

Trong lễ hội, quần thể dinh Thầy Thím diễn ra với nhiều nghi lễ như: Nghinh thần, Nhập điện an vị; Dâng bánh lên Thầy Thím, Cúng ngọ; Thỉnh sanh, Tế tiền hiền và Chánh tế Thần. Đoàn lễ gồm xe hoa, cờ lễ, cờ hội, bát bửu, kiệu sắc phong, kiệu bằng xếp hạng di tích, kiệu lễ sáu đầu rồng (trên kiệu bài trí ngai nghinh, bình hoa, quả tử, chân đèn, bát nhang), tàn, lọng, trống, chiêng, nhạc lễ, ban tế tự, lân sư rồng, nhân dân và du khách tham gia trẩy hội.

Khi đến mộ Thầy Thím, đoàn lễ thỉnh sắc phong, bằng xếp hạng di tích, kiệu lễ (đặt ngai nghinh, bát nhang, hoa quả, chân đèn) vào trước sân điện thờ. Sau đó, ban tế tự thỉnh bát nhang nhập điện để thực hiện nghi lễ khấn báo, thỉnh mời Thầy Thím về dinh hưởng lễ. Thực hiện xong nghi lễ Nghinh thần tại điện thờ chính, ban tế tự thỉnh bát nhang đặt lên kiệu lễ sáu đầu rồng để thỉnh Thầy Thím về dinh an vị, hưởng lễ. Trên đường nghinh rước Thầy Thím về dinh, chiêng, trống, nhạc lễ và đội lân sư rồng liên tục hòa âm và diễn xướng tạo không khí trang nghiêm, nhộn nhịp.

Lễ hội Dinh Thầy Thím ảnh 3

Bên cạnh các lễ thức trang nghiêm, cộng đồng còn tổ chức nhiểu trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa – thể thao hấp dẫn như: Thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, việt dã, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân – sư – rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc…

Lễ hội dinh Thầy Thím ra đời và tồn tại gắn liền với quá trình hình thành vùng đất và con người nơi đây. Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với công lao của Thầy Thím, người được coi như vị thần bảo trợ, chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc.

Năm 1997, dinh Thầy Thím được công nhận Di tích cấp quốc gia. Năm 2022, Lễ hội Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội là dịp để người dân tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với công lao của Thầy Thím, người được coi như vị thần bảo trợ, chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc.

Thanh Hà


Theo Ngày Nay: https://ngaynay.vn/le-hoi-dinh-thay-thim-post140104.html

Share.