Chia sẻ với Ngày Nay, ông Tuấn Kiều, quản lý của doanh nghiệp KymViet chia sẻ:

“KYMVIET rất vinh dự được tiếp đón Công Nương KIKO tới thăm. Tại đây, Công Nương đã có những trải nghiệm thú vị mang tính bản sắc của chúng tôi như: sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để gọi đồ uống, giao lưu cùng các bạn điếc tại xưởng, trải nghiệm cách tạo ra sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo giàu tính văn hoá Việt.”

Tại buổi tiếp này, Chủ tịch Phạm Việt Hoài cũng đã trao tặng một sản phẩm RỒNG VIỆT do chính bàn tay khéo léo của các bạn thợ thủ công tạo ra.

KymViet khởi đầu với phân xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Một phần lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm này được sử dụng để xây dựng không gian kết nối cộng đồng KymViet Space. Tại đây, khách hàng có thể tham gia trải nghiệm để thấu hiểu cuộc sống của người khuyết tật: lắng nghe chia sẻ của họ trong các buổi trao đổi, tham quan khu vực làm việc của họ, học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, thử làm công việc khâu thú bông. Bằng cách này, cộng đồng có thể thay đổi nhận thức sai lệch về người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng thông qua trải nghiệm và cảm nhận không gượng ép.

KymViet chính thức trở thành thành viên Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE của Trung tâm Thông tin UNESCO vào năm 2020.

Trước đó, đoàn Hoàng gia Nhật Bản cũng đã chủ động liên hệ đề nghị KymViet sắp xếp một buổi học online qua Zoom, cử đại diện dạy Công nương Kiko cách dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam trước khi chuyến thăm chính thức diễn ra.

Người đảm nhận việc dạy từ phía KymViet là cô Nguyễn Thị Đính, cô đã có hàng chục năm gắn bó với việc dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, và hiện là người phụ trách đội ngũ nhân viên pha chế của KymViet. Cô Đính cho biết, trên thế giới có rất nhiều kiểu ngôn ngữ ký hiệu, thậm chí cộng đồng người điếc và khiếm thính cũng có cả “teencode” với sắc thái biểu đạt trẻ trung, phóng khoáng.

Công nương Kiko đã khá thông thạo ngôn ngữ ký hiệu Nhật Bản trước đó, và buổi học hai tiếng đã tập trung giúp Công nương hiểu hơn về hệ thống ký của Việt Nam. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cử ba nhân viên ngồi ở đầu cầu Hà Nội, trong khi công nương xuất hiện từ đầu cầu hoàng cung. Việc đoàn Hoàng gia Nhật Bản liên hệ để học về hệ thống ký Việt Nam đã thể hiện sự cầu thị, tỉ mỉ và chu đáo từ phía nước bạn.

Giảng viên Nguyễn Thị Đính hướng dẫn cách gọi đồ uống trong quán cà phê.

Tại Kym Việt, Công nương Kiko đã dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để giao tiếp với nhân viên phục vụ.

KymViet cũng tặng cho công nương con rồng nhồi bông được làm thủ công và tỉ mỉ trong nhiều ngày. “Công nương Kiko đã rất thích thú và trân quý món quà, thậm chí khi ra xe ô tô, bà trực tiếp ôm con rồng trên tay mà không cần trợ lý hay thư ký làm việc này”, anh Tuấn Kiều cho biết.

Theo Ngày Nay: https://ngaynay.vn/cong-nuong-nhat-ban-kiko-den-tham-quan-ca-phe-ngon-ngu-ky-hieu-kymviet-space-tai-ha-noi-post138749.html

Share.