Ngày 19/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội), Hội nghị quốc tế với chủ đề “Vai trò đóng góp của các Hội UNESCO đối với sự phát triển của quốc gia và hợp tác quốc tế” nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Toàn tâm, toàn lực với các phong trào UNESCO
Hội nghị quốc tế đã đón hơn 500 đại biểu, các nhà khoa học và những người tham gia công tác UNESCO trên thế giới và Việt Nam giao lưu, gặp gỡ. Chia sẻ tại hội nghị, nhà báo Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay cho biết: “Từ những ngày đầu vào thời điểm thành lập vào năm 1993 chỉ có một câu lạc bộ UNESCO thí điểm với số lượng thành viên ít ỏi, hôm nay Liên hiệp đã phát triển một mạng lưới gồm hơn 130 đơn vị cơ sở là các Câu lạc bộ, Trung tâm UNESCO chuyên đề, Hội UNESCO tỉnh thành, các đoàn nghệ thuật, các chương trình, dự án”.
Quang cảnh hội nghị |
Trong những năm qua, các đơn vị cơ sở của Liên hiệp có nội dung hoạt động vô cùng phong phú, đa dạng, năng lực tổ chức tốt và chủ động cao trong công việc, vừa huy động tốt lực lượng hội viên tham gia, vừa tranh thủ được sự hợp tác của các tổ chức khác trong xã hội. Qua hàng trăm các hoạt động lớn nhỏ do các đơn vị cơ sở của Liên hiệp tổ chức mỗi năm, hình ảnh của UNESCO đã trở nên gần gũi hơn với cộng đồng và đem lại nhiều kết quả thiết thực.
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc LH các Hội UNESCO Việt Nam vinh dự nhận Bằng khen |
Kể từ khi thành lập, Liên hiệp đã trải qua 6 kỳ Đại hội toàn quốc vào các năm 1993, 2000, 2006, 2010, 2015, 2020 và 1 Đại hội bất thường năm 2008. Ban Chấp hành Liên hiệp mỗi nhiệm kỳ đều tập hợp được bộ máy nhân sự đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ở nhiều độ tuổi, nhiều chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Liên hiệp trong từng giai đoạn.
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc LH các Hội UNESCO Việt Nam vinh dự nhận Bằng khen |
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước khen thưởng với nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các Bộ, ban ngành, địa phương.
Nhà báo Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương tại Hội nghị kỷ niệm 30 năm thành lập VFUA |
Trong dòng chảy phát triển 30 năm qua, không thể không nhắc đến sự thành công của cơ quan ngôn luận chính thức của Liên hiệp, đó là Tạp chí Ngày Nay. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là tổ chức duy nhất trong mạng lưới các nước có phong trào UNESCO phi chính phủ trên thế giới có cơ quan ngôn luận riêng hoạt động theo cơ chế báo chí chuyên nghiệp.
Tạp chí Ngày Nay bản in là ấn phẩm miễn phí duy nhất ở Việt Nam hiện nay, in hàng vạn bản mỗi tuần, cùng với Tạp chí điện tử Ngày Nay đã không ngừng bám sát các chương trình, mục tiêu công tác UNESCO của Nhà nước, thiết thực góp phần một cách có hiệu quả vào việc tuyên truyền cho các mục tiêu công tác UNESCO, cung cấp thông tin lành mạnh, chính thống để góp phần nâng cao hiểu biết của quần chúng về UNESCO, định hướng nhận thức đúng đắn liên quan đến phát triển tri thức và văn hóa.
Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay chia sẻ tham luận tại Hội nghị |
Nhà báo Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay chia sẻ, Ngày Nay là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số: “Chúng tôi đã và đang chuẩn bị hạ tầng thực tiễn cho kỷ nguyên nơi thông tin hữu ích không chỉ cần nhanh, chính xác, mà còn cần tính xâu chuỗi và hệ thống. Chúng tôi cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới độc giả mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực; cung cấp tri thức cho độc giả góp phần nâng cao kiến thức về văn hoá, giáo dục, khoa học; bảo vệ và phát triển các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới… Từng bước tạo ra một tạp chí chất lượng, phụng sự công chúng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước thông qua quảng bá các tiêu chí tiến bộ và lý tưởng hòa bình của UNESCO”.
Phát huy hơn nữa “ngoại giao văn hóa” vì sự phát triển bền vững
So với nhiều nước có phong trào UNESCO trong nhân dân, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia phát triển đầy đủ các mô hình Câu lạc bộ, Trung tâm và cả Hội UNESCO. Về nội dung hoạt động, rất hiếm các Hiệp hội UNESCO quốc gia trên thế giới phát triển Phong trào ở trên cả 4 lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền của UNESCO. Hoạt động của Liên hiệp là điểm sáng trong mạng lưới phong trào UNESCO thế giới khi phát triển cân đối và hài hòa trên cả 4 lĩnh vực Văn hóa – Khoa học – Giáo dục – Thông tin và Truyền thông.
Theo ông Nguyễn Xuân Thiết, Phó Chủ tịch, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trưởng Ban Khảo sát Nghiên cứu các Giá trị Văn hóa Truyền thống, trong suốt 30 năm hoạt động, Liên hiệp luôn nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong nhân dân bởi đây là vấn đề cốt lõi để một quốc gia gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc – nền tảng quan trọng để tạo nên sức mạnh nội sinh của một quốc gia.
Nhà báo Nguyễn Xuân Thiết, Phó Chủ tịch, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trưởng Ban Khảo sát Nghiên cứu các Giá trị Văn hóa Truyền thống |
“Các hoạt động của Liên hiệp trong việc tham gia bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số như Mo Mường, làng dân tộc Cơ Tu, văn hóa nhà sàn người Thái tại Thái Nguyên… và nhiều di tích thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng, đình, chùa, nhà thờ được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tiến hành rất cụ thể dưới hình thức hướng dẫn xây dựng hô sơ về di tích, thực hiện bảo trợ, kêu gọi xã hội hóa để đầu tư ngăn ngừa xuống cấp và tôn tạo di tích và di sản. Trong điều kiện Chính phủ chưa đủ ngân sách để đầu tư rộng khắp và dàn trải thì công tác này của Liên hiệp đã có ý nghĩa nhất định, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và kịp thời giúp nhiều địa phương thực hiện công tác bảo tồn di tích và di sản một cách có kết quả đáng khả quan…
Các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập văn hóa, thông qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng tình đoàn kết quốc tế, đồng thời tạo thêm cơ hội để học tập, tiếp thu một phần tinh hoa và các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại”, ông Nguyễn Xuân Thiết khẳng định.
Hành trình 30 năm ra đời và phát triển của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam luôn gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”, nỗ lực truyền bá văn hóa đến bạn bè quốc tế, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng, tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vì thế, các phong trào UNESCO trong lĩnh vực văn hóa luôn ghi dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế.
Chuẩn bị những sáng kiến mới cho tương lai
“Trải qua những biến động dữ dội của thời cuộc, 30 năm qua có thể nói là khoảng thời gian đủ dài để chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào và phấn khởi khi nhìn lại nó. Chặng đường hình thành và phát triển qua 3 thập kỷ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chỉ như một chương nhỏ trong lịch sử 76 năm của phong trào UNESCO phi chính phủ của thế giới. Tuy vậy, nó đã góp phần khẳng định những tư tưởng tiến bộ và nhân văn của UNESCO, góp phần nhỏ bé vào hiện thực hóa những mục tiêu ấy và từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ năm này sang năm khác”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, đây là thời điểm thích hợp nhất, cơ hội tốt nhất để chúng ta gặp gỡ và cùng nhau nhìn lại chặng đường cùng chung tay, góp sức xây dựng và phát triển ngôi nhà chung ấm áp của phong trào các CLB UNESCO, là dịp để chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò của phong trào UNESCO trong bối cảnh liên kết toàn cầu hiện nay; là diễn đàn giao lưu, học hỏi những bài học kinh nghiệm quý báu để từ đó định hướng đi mới và đưa ra sáng kiến, mô hình hoạt động tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
“Tôi hi vọng thế hệ lãnh đạo sắp tới, ngoài sự nhiệt tình còn phải đúc rút nhiều kinh nghiệm, xây dựng nguồn lực, tiềm năng kinh tế bằng nhiều sáng kiến, bằng phương pháp xã hội hóa một cách hợp lý, hợp pháp, tạo nguồn tài chính vững vàng để xây dựng Liên hiệp và hoạt động phong trào”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Đó là trọng trách đặt ra cho phong trào UNESCO nói chung và cho Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nói riêng trước ngưỡng cửa của một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nguyện vọng tham gia của các hội viên và quần chúng, thông qua những tiêu chí của UNESCO, thực hiện ước nguyện hòa bình và phát triển mà bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào đều khao khát hướng tới.
Theo Ngày Nay: https://ngaynay.vn/nang-tam-phong-trao-unesco-san-sang-cho-nhung-nhiem-vu-moi-post139656.html