Nhưng khoan đã, chúng ta có nên thực sự tự hào về điều đó? Liệu có nên mừng hay không khi Việt Nam vẫn đang được nhìn nhận là nền văn minh “lúa nước” và bây giờ là “xưởng thủ công lớn” của thế giới, chuyên gia công cho các công ty lớn trong khi vẫn không thể tự mình sản xuất từ A-Z một chiếc USB? Thu nhập bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 4 triệu/1 tháng (Bằng 1/30 lần GDP của Singapore). Sự thật còn kém dễ dàng hơn khi biết rằng đất nước của chúng ta đang dần bước qua những năm cuối của thời kỳ dân số vàng và bắt đầu tiến tới thời kỳ già hoá. Hay nói cách khác, vận mệnh dân tộc này đang dần lệ thuộc vào những người trẻ, phấn ít hơn đang trở thành lực lượng lao động chính của đất nước có dân số già.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng phát biểu về giá trị của tuổi trẻ: “Hỡi thanh niên, hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô xanh” – Giá của 1 năm tuổi trẻ người Singapore bằng 1 tỷ USD trong mắt Lý Quang Diệu. Trong khi đó những người trẻ Việt đang bán tuổi trẻ của mình với giá chưa đến 2000 USD một năm, thấp hơn cả triệu lần…

Khi chúng ta đang ở tuổi đôi mươi, chúng ta có thể làm bất cứ công việc lao động chân tay nào, người ta sẵn sàng thuê bạn để làm bảo vệ, tiếp viên, phục vụ… vì bạn trẻ đẹp, năng động, có sức khoẻ, có tinh thần cởi mở, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng làm việc với mức lương chỉ từ 8.000 – 12.000 đồng/giờ. Đến khi bạn 40, 50 tuổi, khi sức khoẻ yếu đi, vóc dáng và khả năng làm việc cũng chậm hẳn lại… và bạn vẫn chẳng biết làm gì hơn là bán thời gian của mình cho công việc cần vóc dáng, lễ tân, đón khách… đến lúc đó liệu có còn ai thuê bạn không?

Hiền tài là nguyên khí của dân tộc. Đã có biết bao thế hệ cũng trăn trở với câu chuyện nhân tài. Làm thế nào để có nhiều hơn nữa những cái tên như Ngô Bảo Châu, Lê Quang Liêm…Từ đầu thế kỷ 20, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng Phong trào Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học tập, để về đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập và xây dựng đất nước. Năm 1907 – thời điểm cao trào của Phong trào Đông Du có khoảng 200 thanh niên đã được gửi sang Nhật học. Ngày nay chúng ta chứng kiến một làn sóng “Đông Du” khác khi “Du học” là con đường mà rất nhiều người đã, đang và sẽ lựa chọn để hướng ra biển lớn. Hàng năm có khoảng 100,000 người Việt du học – chỉ gần 0.1% dân số nước ta được tiếp cận với tri thức bao la của nhân loại. Đây có lẽ là giải pháp có hiệu quả rõ nét nhất, đặc biệt khi nền giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều bất cập. Hàng năm chúng ta vẫn loay hoay cải cách, rồi thí điểm, cả một thế hệ vẫn đang miệt mài, loay hoay với câu chuyện định hướng nghề nghiệp, ước mơ để chậm rãi tiến lên phía trước.

Tuổi trẻ này và đất nước này không thể cứ chờ mãi được. Chúng ta sắp bỏ lỡ thời điểm vàng của dân số, khó khăn còn rất nhiều phía trước. Vào một lúc nào đó, ta phải phân chia tuổi trẻ của mình một cách hợp lí, dù đang bị trăm thứ cơm áo gạo tiền ghì lấy. Nếu không tự xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây dựng ước mơ của họ. Bạn có đành lòng để nhìn đất nước này trở thành một xưởng thủ công chuyên đi gia công sản phẩm cho các công ty nước ngoài?

Nếu bạn cũng có những trăn trở như vậy, nếu bạn là một người trẻ và nếu như có một cộng đồng, một giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa chuyện học lý thuyết ở trường với thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên Quốc tế (hay có điều kiện học Quốc tế). Một cộng đồng bình đẳng dành cho tất cả mọi người, nơi tất cả những người trẻ có hoài bão, có khao khát muốn thay đổi đều có thể tham dự. Nếu có một cộng đồng như thế, bạn có sẵn sàng tham dự?

Cập nhập những thông tin mới nhất ở https://www.talentgene.vn/ để đón chờ một dự án dài hơi được ấp ủ với giấc mơ nâng tầm người trẻ Việt nhé.

Share.