Sứ mệnh sống còn của phong trào UNESCO
Là một người bạn đồng hành lâu năm của phong trào UNESCO tại Việt Nam, ông Georgios Christophides, Chủ tịch danh dự Liên hiệp UNESCO Thế giới, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Cộng hòa Síp, đã bày tỏ sự hân hoan trong lần trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập VFUA.
Điểm lại chặng đường ba thập kỷ hình thành và phát triển của VFUA, ông Christophides cho biết Liên hiệp luôn tập trung xây dựng các tiêu chuẩn cao về tổ chức, tính nhân văn và ý chí mạnh mẽ để tiếp tục hoạt động ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế trong việc thúc đẩy các vấn đề, chủ đề liên quan đến lý tưởng của UNESCO và đặc biệt là tăng cường sự phát triển của đất nước và hợp tác quốc tế.
Là một thành viên gắn bó hữu cơ với phong trào UNESCO thế giới, VFUA sẽ không thể tránh khỏi việc phải đối mặt với những thời điểm khó khăn, nhất là trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
“Tôi cho rằng Hội nghị quốc tế lần này sẽ là nơi tạo cơ hội trao đổi quan điểm về những diễn biến của phong trào UNESCO thế giới. Sự chuyển đổi trong kỷ nguyên số mang đến những cơ hội và thách thức mà trước đây chúng ta chưa từng có. Quá trình toàn cầu hóa và các cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông đang tạo ra những trở ngại cho nền hòa bình thế giới”, ông Christophides chỉ ra.
Mặc dù những sự kiện toàn cầu gần đây đã tạo ra những tình huống bất ngờ, khó lường và khiến phong trào UNESCO thế giới gặp khó khăn, nhưng các tổ chức UNESCO phi chính phủ vẫn hy vọng tiếp tục sứ mệnh sống còn của mình là phát triển đất nước và hợp tác quốc tế.
Ông Christophides khẳng định thông qua các hoạt động giống như chủ đề của Hội nghị lần này, phong trào các câu lạc bộ UNESCO có thể hỗ trợ cộng đồng và từng công dân được kết nối và làm việc cùng nhau với tầm nhìn và ý thức chung trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu nghèo đói, gia tăng phúc lợi, an ninh và tương tác quốc tế.
“Tôi cho rằng tất cả chúng ta phải tiếp tục làm việc theo đường lối lý tưởng của UNESCO”, ông Christophides nói và kêu gọi các cá nhân liên tục học tập, trau dồi bản thân “để phù hợp với hoàn cảnh mới bằng chủ nghĩa nhân văn và ý chí cá nhân với niềm tin vào một thế giới, nơi mọi người đều có vai trò tích cực”.
Đổi mới cách tiếp cận để nâng cao vị thế
Phát biểu tại Hội nghị, ông Yuji Suzuki, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng Giám đốc Liên hiệp UNESCO Nhật Bản, đánh giá cao những thành tựu mà VFUA đã đạt được trong hành trình ba thập kỷ qua.
Ông Yuji Suzuki, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, Tổng Thư ký Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng Giám đốc Liên hiệp UNESCO Nhật Bản |
Theo ông Suzuki, giống như Nhật Bản, Việt Nam cũng là một quốc gia từng trải qua chiến tranh, phong trào UNESCO tại Việt Nam khi mới thành lập còn rất non trẻ, song những thành tựu mà VFUA đã đạt được khiến cá nhân ông cảm thấy vô cùng ấn tượng. “Các thế hệ lãnh đạo của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào UNESCO tại Việt Nam”, ông Suzuki khẳng định. “Tôi kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện được vai trò của mình trong phong trào UNESCO”.
Dù đã đạt được kết quả phát triển vượt bậc trong phong trào UNESCO, song trong bối cảnh hiện nay, theo ông Suzuki, Việt Nam cũng cần thay đổi cách tiếp cận để nâng cao vai trò, vị thế trong phong trào UNESCO ở cả khu vực và quốc tế. Xây dựng nhận thức về bảo vệ hoà bình trong tâm trí mỗi người dân là nhiệm vụ tiên quyết, trong đó trọng tâm cần hướng đến công tác giáo dục. Dù nằm trong số ít quốc gia không chịu nhiều ảnh hưởng bởi nạn mù chữ, tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hướng đến mục tiêu phổ cập, cung cấp cơ hội giáo dục cho toàn xã hội.
Nhận thức được điều đó, phong trào UNESCO tại Nhật Bản đã có những chương trình hỗ trợ cho các nước trên thế giới nhằm xoá nạn mù chữ. Đây là hoạt động mà Liên hiệp UNESCO Nhật Bản đã triển khai trong gần 35 năm tại 44 quốc gia nhằm giúp trẻ em và người dân ở những nước này được tiếp cận với giáo dục, để họ có thể biết đọc, biết viết và từ đó biết tự bảo vệ chính mình.
Sau thảm hoạ sóng thần và động đất năm 2011, hơn 26.000 người dân Nhật Bản tử vong, và 50.000 trẻ em mất đi cơ hội được tới trường học vì nhiều lý do như gia đình rơi vào cảnh nghèo khổ hoặc mồ côi cha mẹ. Ngay sau đó, Liên hiệp UNESCO Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động trong những để giúp đỡ người dân, trẻ em tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Trong những năm trước, tại Nhật Bản chưa từng xảy ra việc trẻ em không được đến trường học trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, theo số liệu thống kê, có đến gần hai triệu trẻ em Nhật Bản đang sống dưới mức nghèo khổ và không có khả năng đến trường đi học. Đây chính là hệ luỵ của tiến trình toàn cầu hoá, của sự gia tăng giữa khoảng cách giàu nghèo trên toàn thế giới.
“Tôi tin rằng đây là thời điểm vô cùng thích hợp để chúng ta tiếp cận với thế giới và khu vực, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, qua đó đóng góp nhiều hơn cho việc thúc đẩy phong trào phi chính phủ UNESCO ở quy mô toàn cầu”, ông Suzuki khẳng định.
Mô hình đáng học hỏi cho quốc tế
Ngoài các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển phong trào UNESCO phi chính phủ, Hội nghị quốc tế kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam còn có sự tham dự của đại diện nhiều Đại sứ quán như Dominicana, Iran, Azerbaijan, Indonesia, Myanmar, Kazakhstan, Venezuela,…
Các đại biểu quốc tế đến tham dự Hội nghị kỷ niệm 30 năm thành lập LH các Hội UNESCO Việt Nam |
Trao đổi với Tạp chí Ngày Nay, bà San San Yin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Myanmar, nhận định VFUA là một tổ chức rất độc đáo tại Việt Nam, đóng vai trò thúc đẩy phong trào của các câu lạc bộ UNESCO phi chính phủ nói riêng và truyền bá các lý tưởng của UNESCO nói chung.
“Tôi cho rằng trong tương lai, VFUA có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước các bạn tới cộng đồng khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực văn hóa”, bà San San Yin chia sẻ.
Khẳng định Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ song phương tốt đẹp xuất phát từ truyền thống lịch sử lâu đời, đại diện Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội cho biết cơ quan này hiện đang thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác văn hóa tại Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng có thể tăng cường thêm tình hữu nghị và các hoạt động hợp tác giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mà còn trên nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau”, bà San San Yin nói.
“Theo quan điểm của tôi, Việt Nam hiện là một thành viên có đóng góp tích cực cho các hoạt động của UNESCO, đất nước các bạn đang nỗ lực đóng góp thật nhiều giá trị cho cộng đồng quốc tế”. Đại diện cho Đại sứ quán Indonesia, bà Wenny Fabiomarts, Tham tán Văn hóa và Giáo dục, đã gửi lời chúc mừng tới lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của VFUA.
Bà Wenny Fabiomarts, đại biểu đến từ Đại sứ quán Indonesia |
“Hội nghị đã cung cấp nhiều góc nhìn độc đáo cho cá nhân tôi”, bà Fabiomarts nhận xét. Indonesia hiện sở hữu 10 Di sản Thế giới, trong đó có 4 Di sản Thiên nhiên và 6 Di sản Văn hóa, đây là con số khá tương đồng với các di sản thế giới Việt Nam đang sở hữu.
Indonesia cũng có mô hình hiệp hội các câu lạc bộ UNESCO như Việt Nam, nhưng luôn cần học hỏi thêm kinh nghiệm quốc tế để phát triển thực sự mạnh mẽ, bà Fabiomarts chỉ ra.
“Những câu chuyện mà các thành viên thuộc VFUA trình bày đã giúp tôi hiểu nhiều hơn về những tác động của phong trào các câu lạc bộ UNESCO có thể mang lại cho cộng đồng”, bà Fabiomarts nói. Với nền tảng là phong trào phi chính phủ, mô hình phong trào UNESCO có thể quan tâm sâu sắc hơn, tiếp cận rộng rãi hơn ở những khu vực bị hạn chế về nguồn lực, các chính phủ chưa thể hỗ trợ. Vì vậy, phong trào các câu lạc bộ UNESCO có tầm quan trọng đặc biệt với người dân cũng như công tác quản lý nhà nước.
Theo Ngày Nay: https://ngaynay.vn/cong-dong-quoc-te-tran-trong-no-luc-ben-bi-cua-lien-hiep-cac-hoi-unesco-viet-nam-post139655.html