Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the bunyad domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/unescoceporgvn/unesco-cep.org.vn/public_html/wp-includes/functions.php on line 6114
Trường Thiền UNESCO - nơi bình yên mở rộng cửa | UNESCO-CEP

UCENLIST là đơn vị thành viên trực thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 77/QĐ-LH ngày 18/10/2012 của Chủ tịch Liên hiệp.

Trung tâm hiện có hai cơ sở hoạt động tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và huyện Củ Chi (TP.HCM). Các cơ sở được hình thành và vận hành nhờ sự đóng góp của các hội viên Liên hiệp và các tình nguyện viên. Hơn 11 năm qua Trung tâm đã tổ chức hơn 120 khóa học với gần 11.000 lượt học viên, cộng tác viên và tình nguyện viên tham dự.

Chốn bình yên thanh lọc tâm trí

Rời xa đời sống náo nhiệt bên ngoài, không điện thoại, không máy tính, không đọc hay viết, không nghi lễ hay cầu nguyện, toàn bộ tâm trí thanh thản của người học được dành trọn vẹn cho việc quan sát thực tại bên trong để bước vào hành trình chứng nghiệm sự thật về bản thân mình trong bầu không khí tĩnh lặng bình yên. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày ở trường thiền sẽ gồm 11 tiếng thực hành, một tiếng nghe cắt nghĩa/ lý giải về phương pháp, năm tiếng dành cho ăn uống, nghỉ giữa giờ & nghỉ trưa, và bảy tiếng cho giấc ngủ về đêm.

Còn được biết đến với tên gọi “Trường Thiền”, các trung tâm giống như những ngôi trường nội trú nhỏ, giản dị, sáng sủa và ấm áp, đơn sơ mà nề nếp. Những ngày lưu trú tại trường thiền, người học sẽ cảm nhận được sự đặc biệt từ những người phục vụ khóa học. Các thầy cô hướng dẫn khóa thiền là những người dày dạn kinh nghiệm về thiền pháp đã được huấn luyện kỹ lưỡng bởi ngài S.N.Goenka, vị thiền sư đã đưa pháp thiền Vipassana (theo truyền thống của đại thiền sư U Ba Khin) từ Myanmar trở về Ấn Độ từ năm 1969. Đi một chặng đường xa từ các nước như Ấn Độ, Nepal để đến trường thiền UNESCO, các thầy cô luôn hiện diện với gương mặt tràn đầy từ tâm và tấm lòng nhiệt thành khôn tả. Họ tỉ mỉ, miệt mài với từng học viên trong mọi khoảng thời gian của mỗi ngày học để lắng nghe và cắt nghĩa từng vấn đề, giải đáp từng câu hỏi, khuyến khích học viên vượt qua những trở ngại bằng sự bình tâm.

Bên cạnh các thầy cô là những anh chị em học viên cũ phục vụ trong suốt khóa học. Mỗi giờ thiền chung, mỗi bữa ăn, mỗi khi đi dạo, hoặc trong những khoảng thời khác, học viên đều thấy bóng dáng của những người phục vụ. Họ có mặt cùng học viên trên thiền đường, bưng từng khay cơm khay canh và sắp xếp bàn ăn, lau bàn ghế, lau nhà, quét sân… Họ làm việc trong lặng lẽ với gương mặt tràn đầy an yên.

Phương pháp Vipassana có nguồn gốc tại Ấn Độ từ thời đức Phật Gotama

Tự phương pháp này luôn thuần khiết với bản chất của một nghệ thuật sống tốt đẹp trên nền tảng con người phải có hiểu biết ngay thật rõ ràng về bản thân mình, hoàn toàn không mang ý nghĩa giáo phái ngay từ thuở sơ khai. Kỹ thuật Vipassana là kỹ thuật tự quan sát thực tại thân và tâm của chính người quan sát và ngay trong lúc quan sát, để có được sự thực nghiệm trực tiếp hoàn toàn đúng thật về thực tại và ngay trong thực tại. Khi đó, những lầm lẫn, ảo tưởng do xa rời thực tại bản thân sẽ được phá bỏ một cách tự nhiên. Và theo phương thức tự nhiên đó, mỗi người sẽ tự mình thoát ra khỏi những phức cảm nội tâm, vốn là nguyên nhân gốc rễ tạo nên xung đột, bất hòa, đau khổ.

Trong khóa 10 ngày cơ bản, học viên sẽ được hướng dẫn tuần tự, mạch lạc từng bước về kỹ thuật Vipassana. Đây thực chất là kỹ thuật thanh lọc tâm trí mang tính phổ quát, rõ ràng và dễ hiểu. Bất cứ ai với sức khỏe thể chất và tâm trí ở mức trung bình đều có thể tiếp thu và thực hành một cách dễ dàng cũng như nhận được lợi ích thiết thực từ việc rèn luyện kỹ thuật này. Khóa học ứng dụng Vipassana không có những lời giáo huấn, triết luận, mà đi thẳng vào việc thực hành để mỗi người thông qua kỹ thuật tự quan sát sẽ tự đi sâu vào kinh nghiệm thực tại của chính mình. Rồi chính kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân đó sẽ dẫn đưa đến việc thanh lọc tâm trí mỗi người một cách trực tiếp, tự nhiên.

Khi nhân loại còn phải đối diện với chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, sự kiệt quệ của tài nguyên thiên nhiên, sự xuống cấp của đạo đức cùng những tác động tiêu cực từ mặt trái của nhịp sống hiện đại… thì việc trang bị kỹ năng sống để con người tự mình loại bỏ, thanh tẩy những căng thẳng, xung đột với bản thân và với bên ngoài là vấn đề rất cần được quan tâm. Đây chính là sự chuyển hóa từ cội rễ sẽ được duy trì bền vững và cũng là nhân tố gốc để chuyển hóa xã hội phát triển theo hướng thật sự hạnh phúc, thật sự hòa bình. Đó cũng chính là mục tiêu cao cả mà tổ chức nghiên cứu giáo dục-khoa học-văn hóa của Liên hiệp quốc đã đặt ra ngay trong những dòng đầu tiên của Công Ước UNESCO.

Những phản hồi sau các khóa học từ trường thiền cho thấy Vipassana đã tác động tích cực đến việc thay đổi tâm tính và cách ứng xử của cá nhân, đồng thời cải thiện rõ rệt các mối quan hệ như vợ chồng, anh chị em, cha con, mẹ con, bạn hữu, hay đồng nghiệp… từ chỗ xung đột, căng thẳng, đã trở nên hòa hợp, thiện cảm.

Nhiều năm qua, trường thiền đã được đón rất nhiều các em học sinh, sinh viên, các bậc lão thành hay cán bộ về hưu, những người chịu trách nhiệm lãnh đạo cao nhất của các doanh nghiệp, các anh chị em là bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, kiến trúc sư, các vị tu sĩ từ các tôn giáo khác nhau, những người công nhân, những người nông dân…

Trường thiền đã trở thành một điểm hẹn học tập, tu dưỡng cho nhiều gia đình với sự quan tâm của nhiều thế hệ khi họ chân thành mong muốn cùng nhau vượt qua mặt trái của đời sống hiện đại để xây dựng cuộc sống bình yên. Trường thiền cũng đã trở thành điểm hẹn đối với nhiều nhóm đồng nghiệp từ các cơ quan, công ty hay đơn giản chỉ là nhóm anh chị em hay bạn hữu khi họ mong muốn được sống trong hòa hợp và phát triển bằng mối quan hệ yêu thương, hiểu biết, rộng lượng.

Có một thực tế, đó là nhiều học viên cũ thường sắp xếp những ngày nghỉ lễ, nghỉ phép để trở lại trường thiền phục vụ và tiếp tục tu dưỡng như những cuộc hẹn với chính mình. Để rồi khi ra khỏi cánh cửa trường thiền, họ lại sẵn sàng hòa lẫn vào nhịp sống đời thường trong bận rộn mưu sinh và bổn phận với tràn đầy sinh lực tươi mới từ sâu nội tâm. Họ đã và đang thay đổi mỗi ngày. Họ đã được rèn luyện để trầm tĩnh và tự tin hơn, kiên nhẫn và cẩn trọng hơn, bình tĩnh và vị tha hơn, hòa hợp hơn với bản thân và với mọi người. Sự vững chãi từ nội tâm giúp con người biết giữ gìn đạo đức trong thế giới đầy biến đổi.

Các trường thiền UNESCO lựa chọn ngày mở cửa tham quan cho cộng đồng hàng năm (Open Day) vào ngày Chủ nhật trước hoặc ngay ngày 20/3, ngày Liên Hiệp Quốc chọn làm ngày Quốc Tế Hạnh Phúc. Nếu đến thăm vào đúng dịp này hàng năm, chúng ta luôn được nghe thông điệp tuyệt vời mà trường thiền UNESCO gửi đến mọi người: “Hạnh phúc thực sự cho mỗi cá nhân và hòa bình thực sự cho nhân loại không thể có được khi chúng ta chỉ triết luận và mong cầu, mà phải bắt đầu từ sự tự rèn luyện thực tế của mỗi người để chuyển hóa suy nghĩ và hành vi đạo đức một cách nghiêm túc, cẩn trọng, và vô cùng bền bỉ.”

Xuân Thu


Theo Ngày Nay: https://ngaynay.vn/truong-thien-unesco-noi-binh-yen-rong-cua-post139034.html

Share.