Hợp xướng Truyện Kiều do Hội Âm nhạc TPHCM và Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục & Đào tạo (UNESCO-CEP) vừa phối hợp tổ chức tại Nhà hát Bến Thành. Trong đêm biểu diễn 8-9, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao giấy chứng nhận hợp xướng Truyện Kiều là tác phẩm hợp xướng dài nhất Việt Nam.

Hợp xướng Truyện Kiều do Hội Âm nhạc TPHCM và Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục & Đào tạo (UNESCO-CEP) vừa phối hợp tổ chức tại Nhà hát Bến Thành. Trong đêm biểu diễn 8-9, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao giấy chứng nhận hợp xướng Truyện Kiều là tác phẩm hợp xướng dài nhất Việt Nam.

Nhạc sĩ Vũ Đình Ân, người từng đoạt giải thưởng về thể loại hợp xướng của Hội Nhạc sĩ TPHCM năm 1998 và của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999, 2002, vẫn không dứt niềm say mê sáng tác hợp xướng lấy cảm hứng từ tuyệt tác văn chương cổ điển dân tộc. Ấp ủ sáng tác bản hợp xướng Truyện Kiều gần hai năm trời và cũng là một người có “máu liều”, ông đã thực hiện những câu thơ Kiều thành ba chương: từ buổi Kim Trọng – Thúy Kiều gặp gỡ, chia ly và sum họp.

Cùng với Vũ Đình Ân, nhạc sĩ Nguyễn Bách cũng là người chỉ huy cho ban hợp xướng Thạch Đà và Suối Việt. Đan xen, khán giả đã thưởng thức hai giọng lĩnh xướng đầy cảm xúc như “người dẫn chuyện” của NSƯT Nhất Sinh (nam) và nghệ sĩ Võ Hoài Phương (nữ). Lần đầu tiên, nhóm Phương Việt múa minh họa cùng hai ban hợp xướng trên nền nhạc dân tộc của nhóm Mặt Trời Mới. Thể hiện tính cách, nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều đối với nghệ sĩ không phải là chuyện xa lạ.

Thế nhưng, biểu hiện diễn xuất trong bản hợp xướng dài hơn 70 phút sẽ là công việc không ít thử thách. Tuy các nghệ sĩ múa trẻ Khánh Chinh (vai Thúy Kiều), Bích Ngọc (Hoạn Thư), Phan Cường (Từ Hải) đã chứng tỏ sự tập luyện phần múa minh họa khá công phu nhưng việc diễn tả phần nội tâm phức tạp của nhân vật… “chưa tới” lắm! Và, dẫu chấp nhận cách thể hiện nội tâm còn “mộc” của các nghệ sĩ trẻ, công chúng vẫn khát khao tính chuyên nghiệp cao hơn từ tiềm năng và triển vọng nghệ thuật của họ.

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là áng thơ ca cổ điển bất hủ đã đi vào cuộc sống tinh thần dân tộc Việt Nam hơn hai thế kỷ qua. Việc đưa hợp xướng Truyện Kiều đến công chúng qua nghệ thuật âm nhạc, sân khấu dân tộc là thể hiện phần nào tình cảm, sự ngưỡng mộ của các thế hệ cháu con nhân kỷ niệm 188 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (10-8 âm lịch). Ngoài ra, các nghệ sĩ và những người tổ chức chương trình còn mong muốn việc công diễn hợp xướng Truyện Kiều sẽ gây được quỹ từ thiện giúp trẻ em khuyết tật của cơ sở Thiên Phước. Điều đáng trân trọng là qua đêm biểu diễn, lòng nhân ái của khán giả dành cho trẻ em khuyết tật đã đưa số tiền đóng góp gây quỹ lên đến 43.430.000 đồng. 

YÊN NGỌC(SGGP)

Share.