VFUA

Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là một tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi , tập hợp rộng rãi các Câu lạc bộ UNESCO trên phạm vi quốc gia và các công dân Việt Nam tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động vì các mục tiêu, lý tưởng của UNESCO đã được ghi nhận trong Công ước thành lập UNESCO

Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam

Tên gọi và lịch sử ra đời

Tên tiếng Việt: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam
Tên tiếng Anh: Vietnam Federation of UNESCO Associations.
Tên viết tắt tiếng Anh: VFUA

Biểu tượng của Tổ chức

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sử dụng Biểu tượng của Hiệp hội UNESCO Thế giới làm biểu tượng trong các hoạt động của mình. Biểu tượng đó là hình đường xoáy ốc chạy quanh dòng chữ UNESCO ở vị trí trung tâm. Đường xoáy ốc tượng trưng cho quy luật phát triển, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với lý tưởng cao đẹp đối với cương lĩnh hành động của UNESCO.

Ngoài ra, trong những hoạt động lớn mang nội dung văn hoá và chuyên môn thuần khiết, để thể hiện sự tôn vinh đối với UNESCO và tuyên truyền cho lý tưởng, tôn chỉ và mục đích của UNESCO, Liên hiệp có thể được sử dụng biểu tượng của UNESCO.

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng như các Hiệp hội UNESCO trên toàn thế giới cam kết với UNESCO và Hiệp hội UNESCO Thế giới về việc nghiêm cấm hội viên, các tổ chức thành viên của mình sử dụng biểu tượng của UNESCO và biểu tượng của Hiệp hội UNESCO Thế giới phục vụ cho các mục đích thương mại, hoặc phục vụ các mục đích cá nhân dưới bất cứ hình thức và hoàn cảnh nào.

Theo quy định của UNESCO, việc sử dụng biểu tượng của UNESCO phải được sự nhất trí của Uỷ ban Quốc gia UNESCO. Do đó khi các đơn vị thành viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam muốn được sử dụng biểu tượng của UNESCO phục vụ cho các hoạt động của mình thì bắt buộc phải có đơn gửi Liên hiệp, trình bày rõ yêu cầu và tính chất của hoạt động để Ban Thư ký Hiệp hội có căn cứ xin phép Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về việc sử dụng biểu tượng UNESCO.

Lịch sử ra đời của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Việt Nam trở thành thành viên của UNESCO từ thời Chính quyền Bảo Đại (1951). Sau ngày đất nước thống nhất, Chính phủ Việt Nam lần lượt thay chân chính quyền Sài Gòn cũ tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, trong đó có UNESCO (1976).

Năm 1981 Ngài Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng giới thiệu về hệ thống Câu lạc bộ UNESCO trên thế giới và gợi ý Việt Nam nên có mạng lưới UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam để thu hút cộng đồng tham gia đóng góp vào các hoạt động UNESCO tại Việt Nam.

Năm 1986 Tổng Giám đốc UNESCO một lần nữa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét hình thức hoạt động UNESCO phi chính phủ đã trở thành thông lệ tại các quốc gia thành viên UNESCO là có Hiệp hội UNESCO tại nước mình để góp phần mở rộng các hoạt động UNESCO trong nhân dân vì mục đích hoà bình và phát triển.

Tháng 3-1993, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngài Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Ngài Mayor đã ký bản ghi nhớ, trong đó có nêu việc Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét tích cực việc thành lập Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Tiếp đó Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã góp phần cùng các sáng lập viên tích cực chuẩn bị cho việc ra đời một mạng lưới UNESCO phi chính phủ tại Việt Nam sẽ mang tên là Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Ngày 3-8-1993 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 397/TTg cho phép thành lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Ngày 6-10-1993 Đại hội Toàn quốc lần thứ Nhất, đồng thời là Đại hội Sáng lập Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam đã được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 150 sáng lập viên cá nhân và tập thể bao gồm các cơ quan nghiên cứu khoa học, các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà giáo, các nhà hoạt động xã hội Việt Nam đã tham dự Đại hội. Điều lệ của Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và cương lĩnh hoạt động của Hiệp hội đã được toàn thể Đại hội thông qua bằng sự nhất trí đồng thuận. Đại hội đã bầu ra một Ban Châp hành gồm 21 uỷ viên do KTS Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch. Ban Chấp hành đã bầu ra một Thường vụ Ban Chấp hành với 5 uỷ viên và bổ nhiệm GSTS Phạm Huyễn làm Tổng Thư ký.

Ngày 16-12-1993 Ban Tổ chức Cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã thay mặt Chính phủ phê chuẩn Điều lệ của Hiệp hội (Quyết định số 1174/TCCP-TC). Tiếp đến Bộ Ngoại giao đã thay mặt Chính phủ ViệtNam chính thức thông báo với UNESCO việc ra đời Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam.

Chức năng và nhiệm vụ

Nhiệm vụ và tính chất của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Điều lệ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (Điều 2) quy định:

– “Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam là một tổ chức xã hội, phi chính phủ, không vụ lợi , tập hợp rộng rãi các Câu lạc bộ UNESCO trên phạm vi quốc gia và các công dân Việt Nam tự nguyện tham gia, đóng góp vào các hoạt động vì các mục tiêu, lý tưởng của UNESCO đã được ghi nhận trong Công ước thành lập UNESCO”
– “Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam có nhiệm vụ thúc đẩy việc truyền bá các mục tiêu, chương trình hoạt động của UNESCO, thông tin kiến thức về khoa học, giáo dục, văn hoá và thông tin – là những lĩnh vực hoạt động của UNESCO, thông qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển đất nước, tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, các quốc gia, bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới”

Nhiệm vụ chính của Hiệp hội gồm:

  1. Trong phạm vi các hoạt động UNESCO phi chính phủ ở Việt Nam, tập hợp những người, tập thể có ý thức quan tâm đến sự nghiệp phát triển khoa học, giáo dục, văn hoá, thông tin và tri thức của đất nước.
  2. Phổ biến, thông tin và xuất bản, giúp các hội viên và mọi người nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền của UNESCO nhằm làm cho mọi người nâng cao khả năng lao động, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước.
  3. Góp phần giáo dục truyền thống văn hoá của dân tộc và của các dân tộc khác trên thế giới ; nâng cao sự hiểu biết quốc tế và kiến thức chung về các vấn đề toàn cầu, trên cơ sở đó giáo dục ý thức công dân về các vấn đề bảo vệ hoà bình, an ninh, phát triển, bảo vệ môi trường, sinh thái và tài nguyên thiên nhiên…
  4. Điều phối hoạt động và cung cấp thông tin, xuất bản phẩm cho các Câu lạc bộ cơ sở. Tổ chức, duy trì và phát triển mối quan hệ và sự hợp tác thường xuyên với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội và các cá nhân có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội; với các Câu lạc bộ UNESCO của các nước và các tổ chức phi chính phủ có liên quan tới UNESCO để mở rộng hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ cho các hoạt động của Hiệp hội và các Câu lạc bộ UNESCO.
  5. Phối hợp với Ban Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để tổ chức thực hiện các chương trình của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.