UNESCO-CEP

Sinh viên cần kỹ năng ‘mắc sai lầm’

Đó là chia sẻ của diễn giả tại Gala Talent Generation 2024 với chủ đề “Dẫn bước sinh viên – Vươn tầm quốc tế” diễn ra tối 14-4 tại Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Diễn giả từ trái qua: ông Lê Đình Hiếu - Forbes 30 Under 30 Vietnam 2016; bà Nguyễn Hạnh Linh - giám đốc bộ phận di chuyển, Grab Việt Nam; bà Thái Vân Linh - giám đốc điều hành của Skills Bridge; ông Vũ Hải Trường - giám đốc tuyển sinh đại học của Đại học Hong Kong tại Việt Nam, chia sẻ với các bạn sinh viên - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Diễn giả từ trái qua: ông Lê Đình Hiếu – Forbes 30 Under 30 Vietnam 2016; bà Nguyễn Hạnh Linh – giám đốc bộ phận di chuyển, Grab Việt Nam; bà Thái Vân Linh – giám đốc điều hành của Skills Bridge; ông Vũ Hải Trường – giám đốc tuyển sinh đại học của Đại học Hong Kong tại Việt Nam, chia sẻ với các bạn sinh viên – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Talent Generation 2024 thuộc dự án Today’s Voice của Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP), thu hút khoảng 400 sinh viên tham dự.

Chương trình nhằm mang lại cho sinh viên một góc nhìn mới về các kỹ năng mềm cốt lõi, giúp các bạn trẻ biến nỗi lo thành động lực và tự tin chinh phục các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Lương cao không hẳn do ngành 

ThS Vũ Hải Trường – giám đốc tuyển sinh đại học của Đại học Hong Kong tại Việt Nam – cho biết các bạn sinh viên hay thắc mắc liệu rằng ngành nào ra trường lương sẽ cao.

“Tôi thấy không phụ thuộc vào ngành nào cả, miễn giá trị tạo ra lớn thì cái các bạn đạt được sẽ tỉ lệ thuận. Mình theo đuổi công việc gì đó không phải vì nó giúp mình có thu nhập, mà cho mình mở rộng vai trò, thêm nhiều cơ hội để tạo ra giá trị. Điều này sẽ giúp các bạn cởi mở, tự do trong tâm trí thay vì chạy theo ngành kiếm được nhiều tiền.

Sinh viên cần có tư duy phản biện, biết cách kiểm định thông tin để tránh bị lừa. Và đặc biệt các bạn cần có kỹ năng mắc sai lầm, nhờ những sai lầm bạn có thể học để cải tiến nhiều hơn” – ThS Trường nói thêm.

Bà Nguyễn Hạnh Linh – giám đốc bộ phận di chuyển, Grab Việt Nam – cho biết chìa khóa hội nhập là ngoại ngữ.

“Các bạn cần có kỹ năng giao tiếp, ra trường các bạn sẽ tham gia các buổi phỏng vấn xin việc, phỏng vấn đi du học. Đi phỏng vấn các bạn hay mắc sai lầm khi nhận câu hỏi và trả lời ngay, thay vì cần dành thời gian suy nghĩ, cấu trúc lại ý, bao quát và sâu sát vấn đề để trả lời cho hoàn thiện. Cần có thêm kỹ năng tự tạo động lực, khi mới bắt đầu làm thì chưa biết mình muốn gì nên cái gì cũng muốn thử, trong quá trình này sẽ có thất bại nên sinh viên nên tìm cách tạo ra động lực cho bản thân.

Và đặc biệt sự sáng tạo phải trở thành thói quen, nghĩ khác, làm khác, luôn trăn trở sẽ giúp các bạn có góc nhìn thú vị hơn” – bà Hạnh Linh bộc bạch.

Hoa hậu Hòa bình Nguyễn Thúc Thùy Tiên (đại sứ Talent Generation 2024) trao quà cho các bạn sinh viên đoạt giải trong phần thi rung chuông vàng – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm cơ hội

Bà Thái Vân Linh – giám đốc điều hành của Skills Bridge – cho rằng bạn trẻ nên ít dùng mạng xã hội chỉ để giải trí mà nên thông qua đây tìm kiếm những cơ hội để bước ra thế giới.

“Các bạn hãy lên Facebook đăng ký tất cả các hội nhóm, chương trình nào có thì cứ đăng ký, không nên bỏ cuộc trước khi mình thử. Tìm các chương trình bên châu Âu, hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… để có cơ hội đi học tập, làm việc ở nước ngoài” – bà Linh chia sẻ.

Để sinh viên có thể mạnh dạn, tự tin trước nhà tuyển dụng, bà Thái Vân Linh cũng khuyên các bạn nên đi làm thêm để dạn dĩ hơn, thay vì chờ làm công việc yêu thích.

“Sinh viên qua năm thứ 4 mới đi tìm việc thì khó phân biệt bản thân mình so với người khác trong thị trường cạnh tranh lao động như hiện nay. Thực ra không quá quan trọng kỹ năng của bạn, tôi đánh giá tất cả mọi người vừa mới tốt nghiệp giống như bằng 0. Bởi vì kỹ năng chúng tôi có thể hướng dẫn, tôi cần biết các bạn có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công việc, không bị quá tải bởi các buổi họp, không bị sợ hãi bởi buổi thuyết trình… chứng tỏ được bạn đã có 2-3 năm làm việc thì rất tốt” – bà Linh nói thêm. 

Truyền cảm hứng cho sinh viên

Talent Generation là một trong những chương trình dành cho sinh viên có quy mô tại Việt Nam do dự án Today’s Voice trực thuộc Trung tâm UNESCO Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP) triển khai từ năm 2016 đến nay.

Bà Lê Nguyễn Thùy Linh – giám đốc UNESCO-CEP – chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng chương trình Talent Generation sẽ khơi gợi và truyền cảm hứng giúp sinh viên Việt Nam phát triển toàn diện bản thân và chuẩn bị tốt cho tương lai từ những nền tảng kiến thức, kỹ năng được chia sẻ trong chương trình.

Từ đây UNESCO-CEP có thể góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững bằng cách bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ Việt Nam đầy đủ năng lực, phẩm chất và trách nhiệm”.

Từ nhiều năm nay, những kỳ học ngắn hạn tại nước ngoài, chuyến trao đổi văn hóa… đã không còn quá lạ lẫm với nhiều học sinh, sinh viên.

NGỌC PHƯỢNG – BÁO TUỔI TRẺ

Exit mobile version